RSS

Thiên Cầm - Đàn trời trên biển Việt Nam

Thiên Cầm là một khu du lịch mới được qui hoạch xây dựng từ ngày 2/11/1993. Tổng thể khu du lịch rộng 200 ha, kéo dài từ ranh giới xã Cẩm Hoà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đến bãi Cu Kỳ xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh. Phía Đông Nam kéo dài đến xã Cẩm Nhượng và phía Bắc tính từ đỉnh núi xuống bờ biển, chiều rộng từ mớn nước đi vào trung bình 1-1,2 km.


Ở nơi chỉ có tiếng sóng dội vào hang núi rồi khiến những chuông đá, khánh đá vọng vang và bàn trời đá bỗng trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời bên biển đã có từ ngàn xưa. Đó là eo biển Thiên Cầm. Từ Thiên Cầm nhìn ra ánh mắt người chạm phải lô nhô hòn Bớc, hòn Én trông như những cánh phao nâu đang dập dềnh ngoài biển. Ở quanh đó những chiếc thuyền đánh cá trông như những chiếc là hình thoi đang cày tung sóng trắng với những gọng vó, guồng te để đem tôm, cá, mực về cho vùng biển nhất nhì này ở Hà Tĩnh. Đối xứng với bên này Thiên Cầm sơn (núi Thiên Cầm) bên kia là núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) như hai mảnh của phím đàn trời đã án ngự dòng Kỳ La, buộc dòng suối trong văn vắt này uốn lượn rồi đổ êm ra biển.
Truyền thuyết kể lại rằng, thời Vua Hùng thứ 13, khi qua đây nghe tiếng sóng biển và thông reo, ngỡ tiên gẩy đàn, nhà Vua bèn lệnh cho quần thần leo lên núi thấy giống chiếc đàn tỳ bà liền hạ bút phê ba chữ "Thiên Cầm Sơn". Từ đó núi đá có tên Thiên Cầm. Hàng năm, khi mùa xuân đến, các Vua Hùng đều lên đây thưởng ngoạn cảnh trời mây non nước, nghe thông reo và thưởng thức những đặc sản biển. Đồn rằng, vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh Thiên Cầm có thể nghe được một thứ âm thanh rất lạ như là thứ nhạc của trời. Có lẽ vì vậy mà Thiên Cầm theo nghĩa đen là Đàn trời.
Thiên Cầm còn là nơi chứng kiến sự sụp đổ của một triều đại. Đấy là vào năm 1407, khi giặc Minh tràn sang, quân nhà Hồ bị bại ở Bạch Hạc, lui về miền Thanh Hoá cố thủ nhưng vẫn không thành, tướng giặc Minh là Trương Phụ đã đuổi theo cha con Hồ Quí Ly vào núi Thiên Cầm. Con đường Bắt đỏ au màu đất chạy quanh co dưới những rừng thông dẫn đến chùa Thiên Cầm chính là dấu tích bị thương của Hồ Quý Ly khi ông bị thất thủ tại phòng tuyến Đa Bang và thành Vĩnh Lộc chạy trốn về đây rồi bị bắt:

""Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao vọng sơn đầu khách tử sầu"

Sau khi bắt được Hồ Quí Ly trong hang núi, tướng giặc Minh bắt dân ta đổi chữ "Cầm" là đàn thành chữ "Cầm" là bắt. Mãi đến khi đất nước sạch bóng quân Ngô, Thiên Cầm mới được trở lại đúng với nghĩa chiếc đàn trời.
Núi cách thị xã Hà Tĩnh khoảng 20 km. Núi không cao, lại nằm kề biển, tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Cách chân núi một trảng cát là chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, một di tích đã được nhà nước xếp hạng, nơi có bộ tranh "Thập điện Diên Vương" nổi tiếng.
Những biệt danh núi Thiên Cầm, Cao Vọng, con đường Bắt, hang đá Hồ Quý Ly đã tạo nên những nét khắc vừa hùng vĩ, vừa thanh tao bên bờ biển vốn rất hoang vu.
Từ đầu thế kỷ, người Pháp đã xây dựng ở Thiên Cầm một khu nghỉ mát, nhưng do chiến tranh, các công trình ấy đã bị phá hủy.

Bài viết cùng chủ đề