(VH)- Như tin đã đưa, từ ngày 10-12.9, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ VH,TT&DL; Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo quốc tế về xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn-tỉnh Hà Giang.
Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các đại sứ, tham tán quốc tế, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang,các chuyên gia trong nước và quốc tế, các công ty lữ hành du lịch. Đánh giá chung cho thấy, cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều triển vọng để trở thành CVĐC đầu tiên ở Việt Nam.
Vùng cao nguyên giàu tiềm năng
Đã từ lâu, Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) được biết đến là một xứ sở của núi đá vô cùng hùng vĩ. Theo điều tra, nghiên cứu của các nhà địa chất, kết quả của những quá trình địa chất kéo dài hàng trăm triệu năm đã để lại trên bề mặt trái đất khu vực này những cảnh quan kỳ thú, độc đáo, đa dạng, rất có giá trị khoa học và du lịch. Đó là các bề mặt san bằng, các bậc thềm sông, đồng bằng gặm mòn chân núi, các hang động kỳ bí ở nhiều bậc độ cao khác nhau, các hố sụt karst, hay hàng loạt thung lũng sông suối lớn, các hẻm vực sâu, những rừng đá, hoang mạc đá và các núi đá vôi dạng nón liền, nón rời, dạng tháp kim, mái nhà, chẳng hạn như núi đôi Cô Tiên ở Cổng Trời huyện Quản Bạ, hẻm vực sông Nho Quế, Động Nguyệt, Hang Rồng, xuất lộ nước ở Mậu Duệ, thung lũng Mèo Vạc....Các nhà địa chất đã và đang điều tra, nghiên cứu và xác lập được 13 phân vị địa tầng, phát hiện được 17 nhóm hoá thạch cổ sinh rất đa dạng và phong phú về giống loài. Đồng thời, xác lập được hàng loạt mặt cắt chuẩn và phụ chuẩn, hàng loạt chỉnh hợp và bất chỉnh hợp địa tầng...được sử dụng trong việc phân chia và đối sánh địa tầng ở Việt Nam. Các di sản đá trên Cao nguyên đá Đồng Văn cũng rất phong phú và đa dạng với sự có mặt của 19 loại đá khác nhau, chủ yếu là các loại đá trầm tích. Chính sự phong phú của hoá thạch cổ sinh kết hợp với những cảnh quan ngoạn mục và hang động karst kỳ bí đã tạo ra nhiều điểm tham quan du lịch có giá trị giáo dục, thưởng ngoạn và thẩm mỹ cao...
Cao nguyên đá Đồng Văn còn là một vùng đất cổ, có lịch sử phát triển lâu đời, với nhiều di tích và di vật đánh dấu những giai đoạn phát triển chính của lịch sử đất nước, mà tiêu biểu nhất là những trống đồng thuộc Thời kỳ Sắt sớm. Trong đó, trống đồng của đồng bào dân tộc Lô Lô ở Đồng Văn là di vật khảo cổ học tiêu biểu cho thời kỳ dựng nước, là nét thống nhất trong đa dạng nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ đã phát triển trên đất Hà Giang. Đây cũng là vùng đất tiền tiêu với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhằm thích ứng với điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng Cao nguyên đá đã tạo dựng cho mình những kỹ năng sống hoà đồng với thiên nhiên trong lao động sản xuất cũng như trong lĩnh vực sinh hoạt văn hoá xã hội của cộng đồng.
Hướng tới một công viên địa chất mang tầm quốc tế
Hình thành và phát triển CVĐC Cao nguyên đá Đồng văn thực chất là một mô hình phát triển kinh tế- xã hội mới, một dự án đầu tư lớn, dài hạn cho cả 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang. Để tiến tới đạt được sự công nhận quốc tế thì cần triển khai dự án này một cách nghiêm túc và cẩn thận. Theo đó, ngay sau khi UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định thành lập CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn thì cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các phân khu chức năng, hệ thống biển báo, biển thuyết minh; đồng thời đầu tư phát triển các tour, tuyến du lịch; đặc biệt đầu tư lập hồ sơ trình UNESCO- công việc này cần triển khai song song với việc đối sánh một cách định lượng với các tiêu chuẩn, tiêu chí của UNESCO...Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng cũng cần được xem trọng, nhất là việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, tuyên truyền viên có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn. Bên cạnh đó, việc mở mang những ngành nghề mới phục vụ du lịch, thay thế cho những ngành nghề không bền vững và không thân thiện với môi trường, chẳng hạn như hình thành các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ sử dụng các nguyên liệu địa phương đó là chạm khắc đá, đúc hoá thạch cổ sinh...Đồng thời, khôi phục lại các lễ hội truyền thống của các dân tộc, mở các quầy hàng hoá mang đặc trưng của từng dân tộc và duy trì các sản vật địa phương như thổ cẩm, bánh ngô...
Để hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng CVĐC trình UNESCO, ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam nhấn mạnh thêm 3 tiêu chí, đó là cần có kế hoạch quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời phải giới thiệu các biện pháp bảo vệ CVĐC, chuyển tải ý thức bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ Cao nguyên đá, và giới thiệu được các hình thức bảo vệ không chỉ của chính quyền địa phương mà còn của cộng đồng dân cư.
Theo kinh nghiệm xây dựng CVĐC của một số nước trên thế giới, ngài Michiel Dusar - Giám đốc Sở Địa chất Vương quốc Bỉ chia sẻ: “Phải có một ban quản lý CVĐC thực sự mạnh, bao gồm những người tâm huyết, nhiệt tình và phải nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền địa phương. Khi xác định xây dựng CVĐC thì ngay từ những bước đi đầu tiên đã là công viên được vận hành chứ không phải chỉ là hình thức giấy tờ, và mọi hoạt động dịch vụ cho du khách theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng”. Ông cũng cho rằng, CVĐC phải có các bảng biểu giải thích để du khách có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin một cách cặn kẽ, đồng thời phải có những khu vực để du khách có những ấn tượng mạnh như du lịch mạo hiểm, cáp treo...Có thể xây dựng các nhà truyền thống trong đó làm các bảo tàng, huy động các nhà nghệ thuật điêu khắc sáng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Có thể thấy, Cao nguyên đá Đồng Văn với những giá trị di sản tự nhiên, đặc biệt là di sản địa chất và các di sản văn hoá đa dạng, độc đáo, là một ví dụ điển hình và xứng đáng là CVĐC đầu tiên ở Việt Nam. Hi vọng với sự quyết tâm của UBND tỉnh Hà Giang, sự ủng hộ của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá, sự chia sẻ hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và sự giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ sớm được UNESCO công nhận.
Quách Thanh Nga